Nay không bàn đến cách đoán người theo tướng số, tử vi như là người mặt tròn, người mặt chữ điền, người mặt tam giác, rồi người lùn người cao, mũi thẳng mũi tẹt… bởi cho rằng cấu tạo xương, khuôn mặt… đều đã có từ khi con người sinh ra. Nay chỉ bàn đến tính cách, nội tâm… con người hình thành do môi trường, hoàn cảnh, nghề nghiệp, mức hiểu biết… mà có. Ví dụ đơn giản, người làm nghề giáo viên phần lớn thích giảng giải, dạy đời. Người làm nghề báo chí thường tò mò, hỏi han, lật ngược vấn đề. Người làm nghề cần nhiều cơ bắp thường nói to, đi mạnh, nghĩ đơn giản. Người giỏi chuyên môn thường tự tin, bảo thủ về chuyên môn đó. Người không rõ, ít hiểu biết về lĩnh vực nào thường ngập ngừng, rụt rè, đa nghi về lĩnh vực đó… Văn học thường dùng lời nói, ngoại hình, hành động…. của nhân vật để bộc lộ nội tâm nhân vật. Ví dụ, nhân vật Sherlock Holmes của Conan Doyle thường dựa trên các chi tiết, dấu hiệu…để điều tra tội phạm. Đại văn hào Nguyễn Du rất thiên về tả ngoại hình để bộc lộ nội tâm. Ví dụ, Sở Khanh “…Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”… cho thấy anh ta là kẻ hào nhoáng, thiếu văn hóa. Từ Hải thì: “Râu hùm hàm én…” quả là bậc võ tướng anh hùng. Do cho rằng đào hoa thường bạc mệnh nên những mỹ nhân của Nguyễn Du như Đạm Tiên, Thúy Kiều, Tiểu Thanh… đều có những lời nói, suy nghĩ, cử chỉ báo trước số phận bạc bẻo bất hạnh. Hoặc Nguyễn Công Hoan trong “Bước đường cùng”, chỉ cần vài nét chấm phá về khuôn mặt, cách ngồi, các ngón tay khua khoắng trên cái dĩa… của quan phụ mẫu, bạn đọc đã biết tên quan này là kẻ tham ô. Ông bà ta có câu “Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon”, hoặc “vải tốt xem biên, người hiền xem mặt”. Các ngành khoa học như Nhân tướng học, Tâm lý học, Tâm lý học tội phạm… đều dựa trên hình thức để phân tích nội tâm, diễn biến tâm lý, tính cách người.
Chia sẻ bài viết |
|